Lịch sử ngày Quốc tế Điều dưỡng

Nếu đã là sinh viên Điều dưỡng thì các bạn không thể quên ngày Quốc tế Điều dưỡng 12/5 đúng không? Hãy dành ít phút đọc bài viết này để hiểu hơn về lịch sử và ý nghĩa ngành học của mình nhé.

Hàng năm trên thế giới, ngày quốc tế Điều dưỡng vẫn luôn được tổ chức vào ngày 12/5, ngày sinh của bà Florence Nightingale nhằm tưởng nhớ những công ơn và cống hiến của bà đối với ngành Điều dưỡng, và ghi nhận, tôn vinh vai trò của những con người ngày đêm tận tụy chăm sóc sức khỏe mọi người.

 Bà Florence Nightingale

Florence Nightingale

Florence Nightingale (12/5/1820 – 13/8/1910) sinh ra trong một gia đình giàu có ở Florence (Ý) và có liên hệ cao cấp trong chính phủ Anh quốc. Do đó mà bà bị cấm không cho đi làm những nghề nghèo hèn như nghề y tá lúc bấy giờ. Tuy nhiên, những rào cản của gia đình và xã hội lúc bấy giờ đã không thể khiến bà nhụt chí. Từ nhỏ, bà Nightingale đã thể hiện thiện chí và hoài bão muốn được giúp đỡ người nghèo khổ, khó khăn. Năm 1847, bà vào học và làm việc tại bệnh viện Kaiserswerth (Đức) dù gặp nhiều trở ngại về quan điểm xã hội và gia đình đối với nữ giới khi tham gia học về y tế và làm việc tại bệnh viện. Bà bắt đầu theo đuổi nghề y tá chính thức vào năm 1851. Năm 30 tuổi, bà Nightingale lên chức y viện trưởng Trung tâm chăm sóc bệnh nhân phụ nữ tại Luân Đôn, và giữ chức này đến tháng 10 năm 1854. Chỉ trong vòng 2 năm, bà đã trở thành một trong những nhà lãnh đạo uy tín tại các bệnh viện nước Anh.

 

Florence Nightingale chăm sóc các binh lính AnhFlorence Nightingale chăm sóc các binh lính Anh

Những năm 1854-1855, chiến tranh Crimean nổ ra, bà cùng 38 nữ y tá tình nguyện được phái sang Thổ Nhĩ Kỳ để phục vụ các thương binh của quân đội Hoàng gia Anh. Lúc này, tại quân khu, số binh lính Anh bị thương và tử vong do dịch tả lên tới hơn 4000 người. Nhận ra vấn đề do ăn uống thiếu dinh dưỡng và vệ sinh không đảm bảo, không khí bị ô nhiễm nặng, Florence Nightingale đã mạnh dạn đề nghị sự giúp đỡ của Chính phủ Anh, đồng thời dọn dẹp sạch sẽ nhằm đảm bảo vệ sinh khu dưỡng thương. Hàng đêm, bà một mình cầm ngọn đèn dầu đi thăm, chăm sóc các thương binh. Hình ảnh này của bà đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng mọi người và được tặng danh hiệu “Người phụ nữ với cây đèn”. Báo Times lúc bấy giờ viết phóng sự về diễn tiến cuộc chiến tại Krym, nhắc đến người phụ nữ đôn hậu này:

“Nói không ngoa, Cô là một tiên nữ cho thuốc, vóc dáng mảnh mai của cô thầm lặng lướt qua những hành lang của bệnh viện, những khuôn mặt bệnh nhân đang đau khổ lộ vẻ biết ơn mỗi khi thấy bóng cô. Khi các bác sĩ đã về nghỉ, khi bóng đêm và sự tĩnh mịch phủ lên các hành lang đầy những bệnh nhân co quắp, cô xuất hiện với cây đèn leo lét trên tay, lặng lẽ đi tuần các trại bệnh một mình.

Trở về nước Anh, Florence Nightingale mất khả năng làm việc do mắc phải “cơn sốt Crimean” trong thời gian ở tại Thổ Nhĩ Kỳ. Bà được dân chúng và những người lính Anh tặng món quà 50.000 bảng Anh để chăm sóc sức khoẻ. Tuy nhiên, bà đã dùng số tiền này sử dụng trong vào việc thành lập Trường Điều dưỡng Nightingale tại Bệnh viện St. Thomas, London vào năm 1860 cùng với chương trình đào tạo 1 năm. Sự kiện này đã đặt nền tảng cho hệ thống đào tạo điều dưỡng không chỉ ở nước Anh mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Kể cả khi sức khỏe suy yếu đến không còn đi lại được, Nightingale vẫn được Chính phủ Mỹ luôn xin ý kiến của bà về việc tổ chức các bệnh viện dã chiến để chăm sóc thương bệnh binh tại chiến trường trong cuộc nội chiến Mỹ. Florence Nightingale mất ngày 13/8/1910. Nghi thức thắp đèn dầu và đọc lời thề của Florence Nightingale đã trở thành nghi thức chính thức của sinh viên điều dưỡng trong lễ tốt nghiệp của nhiều trường điều dưỡng trên thế giới.

Ngày 12/5/1965, Hội đồng Quốc tế Điều dưỡng đã tổ chức họp và quyết định lấy ngày 12 tháng 5 hàng năm – ngày sinh của Florence Nightingale làm Ngày Quốc tế Điều dưỡng để tôn vinh, tưởng nhớ công lao của bà và khẳng định quyết tâm tiếp tục sự nghiệp mà bà đã xây dựng và Florence Nightingale đã trở thành người mẹ tinh thần của ngành Điều dưỡng thế giới.