Kiến thức
Học thâu đêm với ước mơ trở thành điều dưỡng viên
Có ai đó đã nói rằng “cuộc sống giống như hoa hồng, vẻ đẹp luôn đi cùng với gai”. Quả đúng như vậy, đằng sau thành công của mỗi người luôn là một chặng đường đầy gian khổ. Chính vì thế mà không phải ai cũng có thể đạt được thành công, chỉ những người dám ước mơ, dám thực hiện mới có thể gặt hái được thành quả. Con đường tôi đi cũng không nằm ngoài quy luật ấy.
Ước mơ trở thành điều dưỡng viên của cô gái trẻ
Từ nhỏ, mỗi khi chơi đồ hàng với đám trẻ con hàng xóm, chúng tôi thường chơi trò bác sĩ. Vì là đứa to đầu nhất nên tôi luôn giành phần làm bác sĩ khám bệnh cho mọi người. Tôi chỉ nghĩ rằng nếu làm bác sĩ thì được khoác trên người chiếc áo blue trắng, được khám cho bệnh nhân và hơn hết là rất oai.
Lũ trẻ hàng xóm một điều gọi tôi là bác sĩ, hai điều lại bác sĩ. Khi đó, tôi tự mặc định mình sẽ là bác sĩ. Tôi lớn lên, dần quên đi ước mơ hồi nhỏ của mình. Với tôi, khi ấy ước mơ chỉ là học thật giỏi, chỉ cần đạt danh hiệu học sinh giỏi để bố mẹ vui lòng, và đặc biệt tôi luôn nhận được phần quà từ bố. Cứ vậy, tôi hoàn thành mục tiêu nhỏ bé mà mình đề ra, vui vẻ nhận lấy những gì mà mình đạt được, không quan tâm lớn lên mình sẽ làm gì.
Tôi nghĩ đơn giản rằng còn lâu mình mới khôn lớn và luôn có bố mẹ bên cạnh thì chẳng phải lo gì cả. Nhưng rồi cuộc sống của tôi không còn là màu hồng nữa, năm lớp 3, mẹ tôi mắc bệnh sơ gan cổ chướng, tôi chẳng biết đó là bệnh gì, chỉ thấy da mẹ tôi ngày càng vàng, bụng căng chướng, nhìn mẹ phải chịu nỗi đau về thể xác mà tôi chẳng biết làm gì ngoài nhìn mẹ mà khóc.
Tôi hận mình không thể làm gì cho mẹ đỡ đau. Hai năm sau, mẹ tôi ra đi vì căn bệnh quái ác ấy. Cuộc sống xung quanh tôi như sụp đổ. Cả đêm đó tôi ngồi bên áo quan của mẹ, tôi ngây thơ nghĩ rằng phải ngồi đây để khi tỉnh dậy mẹ sẽ nhìn thấy tôi đầu tiên, nếu không có tôi bên cạnh chắc mẹ sẽ buồn lắm.
Khi tôi thực sự chấp nhận rằng mẹ đã ra đi mãi mãi, trong tôi chỉ còn một suy nghĩ phải học thật giỏi, mai sau trở thành bác sĩ để không còn ai phải đau đớn như mẹ nữa, để không còn những đứa trẻ mất mẹ như tôi nữa bởi tôi hiểu điều đó là sự mất mát quá lớn lao. May mắn rằng bên cạnh tôi vẫn còn bố, ông bà, dì, chú, họ luôn động viên, tiếp sức giúp tôi cố gắng học tập.
Tôi đạt danh hiệu học sinh giỏi trong nhiều năm liền, tôi tự tin với lực học của mình. Lên cấp ba, tôi vẫn luôn cố gắng được học sinh giỏi nhưng tôi biết mình đã cố gắng hết sức, bạn bè bên tôi học rất giỏi, tôi bắt đầu sợ các kỳ thi. Tôi sợ rằng ước mơ trở thành bác sĩ, chăm sóc cho người bệnh của tôi là quá sức. Tôi định tìm cho mình một trường khác thấp điểm hơn, nhưng rồi nghĩ đến mẹ, nghĩ đến sự động viên không ngừng nghỉ của mọi người dành cho mình, tôi lại quyết tâm theo đuổi ước mơ.
Con đường đến với ước mơ điều dưỡng viên không hề dễ dàng
Năm đó thi đại học, khối A tôi đỗ ngành tài chính ngân hàng và khối B, trượt bác sĩ đa khoa. Tôi đã buồn rất nhiều, nghĩ rằng ước mơ của mình phải chấm dứt tại đây. Chấp nhận sự thất bại, tôi chuẩn bị theo học ngành tài chính ngân hàng.
Nhưng dường như tôi vẫn có duyên với ngành y khi trúng nguyện vọng ba vào khoa Điều dưỡng của ĐH Y HN. Không trở thành bác sĩ nhưng tôi vẫn có thể phục vụ trong ngành y, vẫn có thể giúp đỡ bệnh nhân, tôi vui vì điều đó. Tìm hiểu về ngành điều dưỡng tôi biết rằng mình có thể trực tiếp chăm sóc người bệnh. Với tôi điều đó thật tuyệt vời, tôi quyết tâm theo nghề điều dưỡng từ đó.
Tôi bắt đầu ngày tháng học tập vất vả để thực hiện ước mơ trở thành điều dưỡng. Có những ngày tôi đạp xe 6-7 cây số dưới cái nắng của mùa hè đến viện giải phẫu, những đêm thức trắng học thuộc tên mạch máu, dây thần kinh. Cuộc sống sinh viên tuy khó khăn nhưng tôi vẫn luôn cố gắng vượt qua để biến ước mơ của mình thành hiện thực.
Tôi xin đi trực tăng cường ở bệnh viện để trau dồi thêm kiến thức, luyện tập được tay nghề và cơ bản là mỗi khi đi trực tôi dường như đã thực hiện được một phần ước mơ của mình đó là trực tiếp chăm sóc bệnh nhân. Vẫn còn là sinh viên, chưa thể thực hiện các thủ thuật phức tạp, tôi chỉ có thể tiêm, truyền, thay băng, động viên bệnh nhân.
Dù chỉ là lấy ven, đặt đường truyền hay giải thích cho bệnh nhân những điều họ thắc mắc, nhìn thấy sự hài lòng của người bệnh và gia đình, tôi biết rằng tôi đã làm được. Tôi nghĩ rằng mình sẽ nhanh chóng hoàn thành ước mơ của mình nhưng cuộc sống lại không êm đềm như vậy.
Năm thứ ba đại học, tôi phát hiện mình bị viêm gan B mãn tính đang trong giai đoạn tiến triển. Bác sĩ yêu cầu tôi nghỉ học và nghỉ ngơi hoàn toàn. Tôi thực sự suy sụp, ước mơ trở thành điều dưỡng của tôi còn đang dang dở, nhưng làm sao có thể chăm sóc người bệnh khi chính sức khỏe của mình còn không đảm bảo? Tôi quyết định nhập viện điều trị nhưng vẫn tiếp tục đi học, sáng tôi đến trường học, trưa lại vội về viện để uống thuốc, truyền thuốc.
“…nhưng rồi với lòng quyết tâm và sự yêu nghề tôi lại cố gắng theo đuổi
ước mơ của mình”
Ban đầu gia đình tôi không đồng ý, nhưng rồi thấy sự quyết tâm của tôi thì cũng chấp nhận. Điều trị tại viện hai tháng, tôi thấm thía nỗi khổ khi nằm tại viện, tôi hiểu hơn tâm lý của những người bệnh, hiểu cảm giác đấu tranh giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết. Những điều ấy càng thôi thúc tôi phấn đấu học tập để trở thành một điều dưỡng giỏi, để có thể chăm sóc cho những người bệnh mà tôi coi như người thân ruột thịt của mình.
Tôi cố gắng chăm chỉ hoàn thành tốt việc học trên lớp, vào diễn đàn điều dưỡng Việt học hỏi các anh chị đi trước về kinh nghiệm và tại đây tôi lại được tiếp thêm lòng yêu nghề. Tôi tự tìm cho mình một khóa học tiếng Anh giao tiếp vì tôi biết có vốn tiếng Anh trong tay, khi ra trường tôi có thể tự tin xin vào bất cứ một bệnh viện nào.
Tôi lên mạng tìm tài liệu ngoại văn đọc nhằm trau dồi thêm kiến thức, tự lập ra một thời gian biểu chi tiết xen kẽ giữa học tập và nghỉ ngơi. Có những hôm đang học tại viện, lạnh, cả người vã mồ hôi, run tay chân tưởng như không còn sức lực nữa. Tôi sợ mình sẽ bỏ cuộc, nhưng rồi với lòng quyết tâm và sự yêu nghề tôi lại cố gắng theo đuổi ước mơ của mình.
Dù biết con đường trở thành điều dưỡng của mình còn nhiều chông gai nhưng không vì thế mà tôi lui bước, vì tôi dám ước mơ và dám thực hiện. Tôi tin một ngày gần nhất tôi sẽ trở thành một điều dưỡng giỏi. Tôi luôn quan niệm một điều rằng “không gì là không thể”.
Phan Thị Kiều Oanh