Tin tức ngành điều dưỡng
Bạn có biết về Lịch sử Ngày Điều dưỡng viên Quốc tế
Ngành Điều dưỡng hiện nay đang là một ngành “hot” với lượng lớn thí sinh theo học vì đam mê và hơn nữa mang lại cơ hội việc làm hấp dẫn. Thế bên cạnh việc tìm hiểu thông tin về kiến thức, cơ hội nghề nghiệp, các bạn đam mê ngành Điều dưỡng có biết lịch sử Ngày Điều dưỡng viên Quốc tế, ngày mà mình và ngành của mình được vinh danh không nhỉ?
Lịch sử Ngày Điều dưỡng viên Quốc tế
Ngày 12/5 hằng năm được chọn là ngày Quốc tế Điều dưỡng là chính là ngày sinh của bà Florence Nightingale, một trong những người có đóng góp to lớn cho sự phát triển của ngành Điều dưỡng hiện đại, nhằm tôn vinh những cống hiến cũng như vai trò của bà nói riêng và của những điều dưỡng viên – những người làm việc trong công tác chăm sóc người bệnh nói chung.
Chân dung Bà Florence Nightingale
Bà Florence Nightingale (1820 – 1910), xuất thân từ một gia đình giàu có ở nước Anh và gắn liền với chính quyền Anh. Và thời bấy giờ, nghề điều dưỡng được xem là một nghề nghèo hèn, với xuất thân quyền quý, bà không được phép làm việc trong ngành này. Tuy nhiên, với lòng thương cảm đối với người nghèo, bệnh tật và vốn thông minh sẵn có, bà đã quyết tâm theo đuổi đam mê bằng cách theo học và làm việc tại bệnh viện Kaiserswerth (Đức). Trong thời gian này, bà nhận được lời cầu hôn của chính trị gia – nhà thơ Richard Monckton Milnes nhưng đã khước từ vì sợ sẽ làm mình xao lãng công việc. Vào năm 1853, bà đến Pháp để học thêm và sau đó trở về London điều hành bệnh viện. Tại đây, bà đã sắp xếp hợp lý và đưa ra các quy chuẩn làm nền móng trong công tác điều dưỡng. Với những hiệu quả mang lại, chỉ trong vòng 2 năm, bà đã trở thành một trong những nhà lãnh đạo uy tín trong các bệnh viện tại nước Anh.
Vào những năm 1854-1856, chiến tranh “Cremean War” nổ ra giữa Nga và một bên là Anh, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, bà Florence Nightingale cùng với 38 y tá tình nguyện khác được gửi sang Thổ Nhĩ Kỳ tại nơi quân đội Anh đồn trú. Bà đến với nhà thương Scutari tại Istanbul và nhận thấy một cảnh tượng đau xót nơi đây: thương binh không người chăm sóc, thuốc men hiếm, dụng cụ bẩn thiểu dẫn đến hiện trạng nhiễm trùng diễn ra khắp nhà thương gây thương vong rất nhiều. Ngoài ra, hệ thống nấu và cấp phát thức ăn cho bệnh nhân cũng không có. Do đó, bà cùng với các chị em y tá nhanh chóng tiến hành vệ sinh nhà thương cùng dụng cụ y tế và hệ thống lại hệ thống chăm sóc bệnh nhân nhằm tránh tình trạng tử vong do nhiễm trùng. Với những nổ lực của bà cùng với sự hỗ trợ từ chính phủ Anh, hệ thống ống cống và thoáng khí giúp tỷ lệ tử vong giảm xuống rõ rệt ngay sau đó.
Với các thương binh, bệnh nhân ngày ấy, Florence Nightingale hiện in đậm trong tâm trí bằng hình ảnh cô y tá vóc dáng mảnh mai với cây đèn leo lắt trên tay, lặng lẽ đến với từng trại bệnh để tuần tra và chăm sóc cho những bệnh nhân cần sự giúp đỡ. Bà chính là vị cứu tinh cho họ những lúc đau đớn. Vì thế, bà được các binh sĩ tôn trọng đặt danh hiệu là “Nữ công tước với cây đèn” hay “Thiên thần trong bệnh viện”.
Hình ảnh bà Florence Nightingale gắn liền với cây đèn dầu trên tay đi chăm sóc bệnh nhân
Tại Thổ Nhĩ Kỹ, bà đã cùng một số người đã thành lập quỹ Nightingale – quỹ đào tạo y tá và nhận được sự góp tiền ủng hộ của rất nhiều người. Và sau này, bà đã quyết định đem £45000 từ quỹ Nightingale lập Trường Đào tạo Y tá Nightingale tại nhà thương St. Thomas. Ngoài ra, bà cũng kêu gọi quyên góp thành lập nhà thương Hoàng gia ở Buckinghamshire thuộc Aylesbury gần quê cũ của bà.
Năm 1860, cuốn sách “Những bài ghi chép về Y tá” gồm 136 trang của bà được xuất bản và sử dụng làm căn bản cho chương trình đào tạo Y tá nightingale và các trường y tá khác. Sách cũng được mọi người rất ưa chuộng và được coi như một sách hay trong hệ thống sách về ngành y tá.
Năm 1869, bà cùng với bác sĩ Elizabeth Blackwell mở trường Y khoa cho Phụ nữ.
Năm 1870, bà huấn luyện cho Linda Richards, Y tá Hoa Kỳ đầu tiên và giúp Linda Richards thiết lập các trường đào tạo y tá tại Hoa Kỳ. Bà này sau đó trở thành một trong những y tá tiên phong tại Mỹ và Nhật.
Năm 1882, các y tá tốt nghiệp từ trường Nightingale bắt đầu làm việc chuyên nghiệp trong các cơ sở y tế Anh Quốc và nhiều người trở thành Y tá trưởng của các nhà thương chính tại Anh và Úc.
Với những cống hiến to lớn, Nightingale được trao tặng huy chương Thập tự Đỏ vào năm 1883, bằng khen Order of Merit vào năm 1907.
Florence Nightingale qua đời vào năm 1910, thọ 90 tuổi tại phòng số 10 South Street, Pake Lane.
Vào ngày 12/5/1965, Hội đồng Quốc tế Điều dưỡng đã quyết định lấy ngày 12/5 hằng năm, chính là ngày sinh của Florence Nightingale làm Ngày Quốc tế Điều dưỡng để tưởng nhớ công lao của Bà và nghi thức thắp đèn dầu và đọc lời thề của Florence Nightingale đã trở thành nghi thức chính thức của sinh viên điều dưỡng trong lễ tốt nghiệp của nhiều trường điều dưỡng trên thế giới.