Kỹ năng chăm sóc người cao tuổi

Chăm sóc người cao tuổi, nghe thì có vẻ nhẹ nhàng đấy, nhưng thực ra đây lại là công việc có tính trách nhiệm và nhẫn nại cao. Những người lớn tuổi hay bị lãng tai, quên trước quên sau, đi lại khó khăn,…bởi vậy chăm sóc họ cũng phải cẩn trọng hơn người bình thường. Dưới đây là một vài kỹ năng để chăm sóc người cao tuổi tốt hơn mà các điều dưỡng viên cần phải lưu ý:

– Môi trường tiếp xúc phải yên tĩnh, các cụ mới dễ tập trung, dễ nhìn, dễ nghe.

Thính giác người lớn tuổi không còn “nhạy” như thời còn trẻ. Do đó, các điều dưỡng viên không nên giao tiếp ở những nơi đông đúc, ồn ào sẽ gây khó khăn cho các cụ trong việc nghe hiểu.

Chăm sóc người cao tuổi cũng là một “nghệ thuật” đấy

Chăm sóc người cao tuổi cũng là một “nghệ thuật” đấy

– Tránh nói to tiếng.
Đành rằng người cao tuổi gặp khó khăn trong việc nghe hiểu, nhưng các điều dưỡng viên tuyệt đối không nên hét vào tai các cụ và gằn giọng nhé. Bởi vậy các cụ sẽ nghĩ mình làm phiền các bạn và cảm thấy tủi thân đấy. Lúc nói phải nhìn vào mắt, nói vừa đủ lớn và dễ hiểu, không được hét to. Đối với các cụ có mang máy trợ thính, các bạn phải đảm bảo máy đã mở, còn pin và đang hoạt động tốt nhé.

 Mỗi khi nói và hỏi, chỉ cần nói một việc.

Tuổi càng lớn, khả năng phản xạ và tiếp thu “xử lý dữ liệu” cũng càng kém đi. Do vậy, mỗi khi dặn dò các cụ điều gì, các bạn điều dưỡng chỉ nên nói một ý một lần, tránh nói nhiều ý cùng một lúc các cụ sẽ không nghe và tiếp thu kịp. Khi cần hỏi cũng vậy, khi hỏi xong các bạn phải đợi một lúc để các cụ có thời gian tập trung, ngẫm nghĩ về câu hỏi và tìm từ diễn đạt.

– Khi dặn dò nên tóm tắt, nhắc lại các ý chính.

Khi giao tiếp với người cao tuổi, các điều dưỡng viên không nên nói dông dài mà chỉ tập trung vào những ý chính. Một phần các cụ hay quên, một phần các cụ sẽ không tiện hỏi lại vì tự ái (người già không muốn nhận rằng mình đầu óc lẩm cẩm, hay quên đâu), do đó các bạn phải nói thật chậm rãi và nhấn mạnh các ý chính. Tốt nhất có thể ghi ra giấy, chữ to, rõ để các cụ dễ đọc hơn.

Người già sẽ có những lúc hay quên, đừng vội trách móc họ nhé

Người già sẽ có những lúc hay quên, đừng vội trách móc họ nhé

– Khi đến gần các cụ, không nên xuất hiện đột ngột đầu giường hoặc nói to từ phía sau dễ làm họ giật mình.

Các bạn điều dưỡng trước khi đến gần các cụ phải lên tiếng đánh động, tạo sự chú ý trước khi xuất hiện. Trí não và phản xạ của các cụ không còn bắt nhịp nhanh như hồi còn trẻ được, cần phải có thời gian để “định thần”, tập trung chú ý rồi mới khởi sự giao tiếp được. Đừng đột ngột nói to quá sẽ khiến các cụ “đau tim” đấy nhé.

– Sẵn sàng chấp nhận sự nhầm lẫn, quên trước quên sau và những lời cằn nhằn của các cụ.

Nói công việc chăm sóc người cao tuổi đầy trách nhiệm và kiên nhẫn cao là thế. Các cụ dễ nóng nảy, hay trách cứ, cằn nhằn, nhiều lúc có thể sẽ khiến các bạn điều dưỡng buồn lòng. Tuy nhiên đừng trách các cụ nhé. Vì người già nhạy cảm hơn bình thường. Mọi chức năng, giác quan của họ đều suy giảm nên các cụ cần được chăm sóc hơn bao giờ hết. Nếu các cụ có quên lời dặn của các bạn, hãy dán những tờ giấy nhớ bằng chữ to, rõ lên đầu giường các cụ, hoặc ở những nơi họ có thể nhìn thấy. Ngoài ra, khi giao tiếp với người già, các bạn phải chú ý nói rõ, cẩn thận từng câu. Nếu các cụ có không nghe kịp, hãy mỉm cười nhắc lại một lần nữa với âm điệu lớn hơn với các cụ nhé.