Thông tin y học
Cách xử trí khi bị ngộ độc thực phẩm
Khi sử dụng thực phẩm bẩn, thực phẩm ôi thiu hoặc thực phẩm có chứa chất phụ gia quá mức quy định, bạn có thể bị ngộ độc thực phẩm. Ngộ độc thực phẩm gây ra các triệu chứng rất khó chịu cho cơ thể, tuy nhiên có thể khỏi sau vài ngày mà không cần phải đến bệnh viện nếu xử trí đúng cách. Vậy, bạn đã biết cách xử trí khi bị ngộ độc thực phẩm hay chưa?
Ăn phải thức ăn nhiễm khuẩn sẽ khiến bạn bị ngộ độc thực phẩm
Các triệu chứng khi bị ngộ độc thực phẩm
Khi bị ngộ độc thực phẩm, tùy mức độ ngộ độc, bạn có thể gặp các triệu chứng sau đây:
- Đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa.
- Chán ăn, mệt mỏi.
- Chóng mặt, hoa mắt.
- Ớn lạnh, đau cơ.
- Có thể sốt.
Cách xử trí khi bị ngộ độc thực phẩm
Khi bị ngộ độc thực phẩm, cách tốt nhất để người bệnh mau hồi phục là đào thải hết chất độc trong cơ thể ra. Do đó, có thể gây nôn để chất độc ra ngoài. Tuy nhiên, khi gây nôn cần cẩn thận với trẻ nhỏ, tránh trẻ nằm ngửa gây sặc và gây nôn không đúng cách làm tổn thương họng bé.
Sau khi gây nôn, chưa vội cho người bệnh ăn uống, để dạ dày được nghỉ ngơi trong vài tiếng đồng hồ. Sau đó, có thể cho người bệnh ăn uống lại bằng thức ăn nhẹ và lưu ý bù nước và chất điện giải cho cơ thể trong trường hợp nôn và đi ngoài nhiều dẫn đến mất nước.
Chế độ ăn uống sau khi ngộ độc thực phẩm:
- Chú ý uống nhiều nước, mỗi lần uống từng ngụm nhỏ để bù nước cho cơ thể.
- Bên cạnh nước, người bệnh nên sử dụng oresol pha với liều lượng đúng theo hướng dẫn để bù chất điện giải.
- Ăn uống từ từ bằng những loại thức ăn nhẹ, dễ tiêu hóa, ít gây kích thích dạ dày như cơm, chuối, bánh mì, yến mạch, khoai tây nghiền, trái cây mềm.
- Bổ sung lợi khuẩn cho đường ruột bằng sữa chua.
- Tránh sử dụng các sản phẩm từ sữa động vật.
- Tránh các loại thức ăn kích thích dạ dày như các loại thức ăn nhiều chất xơ, thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ.
- Tránh các loại thức uống có cồn, chứa chất cafein.
Ngoài ra, người bệnh cần được nghỉ ngơi, tịnh dưỡng để nhanh chóng hồi phục cơ thể bởi vì khi bị ngộ độc, cơ thể mất đi năng lượng rất nhiều. Trong trường hợp, những triệu chứng ngộ độc không thuyên giảm hoặc có dấu hiệu nặng hơn, nên đưa người bệnh đến các cơ sở y tế để điều trị kịp thời, không nên chủ quan sẽ gây ra biến chứng nguy hiểm.
Trên đây là cách xử trí ngộ độc thực phẩm dạng nhẹ, thường gặp, những trường hợp ăn phải thức ăn chứa độc như nấm độc, hải sản độc,…có thể gây tử vong, do đó, cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được cấp cứu, tránh ngộ độc nặng.