Bộ môn Kỹ thuật & Quản lý Môi Trường – ĐH Duy Tân ra đời vào năm 2008 dưới sự quản lý của Ban giám hiệu & Khoa Khoa học tự nhiên, sau đó là khoa Kiến Trúc. Tháng 10/2009, Khoa Công nghệ Môi trường chính thức được thành lập, đến năm 2016, để đáp ứng nhu cầu nhân sự của xã hội, khoa mở thêm ngành Công nghệ thực phẩm và để phù hợp với điều kiện mới, khoa đổi tên thành Khoa Môi Trường và Công Nghệ Hóa với 02 bậc đào tạo là đại học & cao đẳng chính quy ở 03 ngành: Công nghệ & Kỹ thuật môi trường; Quản lý tài nguyên và môi trường và Công nghệ thực phẩm.
Hiện tại, Khoa đã có một đội ngũ cán bộ – giảng viên – chuyên viên hùng hậu. Trong đó, 23% là tiến sỹ, 67% là thạc sỹ & 10% là cử nhân. Các tiến sỹ đều tốt nghiệp từ nước ngoài như Bỉ, Pháp; giảng viên cơ hữu hầu hết là trẻ, nhiệt huyết với nghề, năng động, sáng tạo, không ngừng học hỏi nâng cao kiến thức & đã được đi tập huấn về phương pháp giảng dạy tích cực tại các trường đại học uy tín ở Singapore & Hoa Kỳ. Ngoài ra, Khoa còn có đội ngũ giảng viên thỉnh giảng là những Giáo sư, Tiến sĩ… đầu ngành được mời về giảng dạy nhằm trang bị cho sinh viên có một nền tảng kiến thức tốt sau khi ra trường.
Trong 4,5 năm học tập tại trường, sinh viên của Khoa được bố trí học trong các phòng học hiện đại, có wifi, projector trong mỗi phòng học ở tất các cơ sở của trường. Bên cạnh đó, sinh viên còn được thực hành trong các phòng thí nghiệm được xây dựng theo chuẩn quốc tế với trang thiết bị hiện đại, phong phú đúng với phương châm giảng dạy của trường là đào tạo gắn liền với thực nghiệm, lấy thực hành làm trọng tâm, học gắn với Lab, gắn với doanh nghiệp nên khi ra trường sinh viên có thể làm việc được ngay. Ngoài ra, sinh viên còn có thể tự nghiên cứu, tìm kiếm tài liệu ở thư viện với hàng nghìn đầu sách cơ bản & chuyên ngành với nhiều thứ tiếng khác nhau. Do đó, sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ đạt được những điều sau:
– Có khả năng khảo sát, đánh giá hiện trạng; thiết kế, tư vấn kỹ thuật & công nghệ; thi công, giám sát xây dựng; vận hành các hệ thống xử lý chất thải: nước thải, khí thải & chất thải rắn;
– Có khả năng quản lý và giám sát việc thực hiện các chính sách, luật và các quy định về môi trường- áp dụng hệ thống các quy chuẩn kỹ thuật môi trường trong giám sát, điều hành các công trình bảo vệ môi trường, thực hiện đánh giá tác động môi trường cho các dự án;
– Có khả năng phân tích, đánh giá về mặt quản lý và công nghệ các vấn đề liên quan đến môi trường; xác định nguyên nhân, đề xuất các giải pháp phòng ngừa, khắc phục & giảm thiểu các vấn đề ô nhiễm môi trường, các rủi ro, thảm họa môi trường; bảo vệ & khai thác bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; xây dựng các kế hoạch hành động định hướng đến phát triển bền vững & thích ứng với biến đổi khí hậu.
– Có khả năng thực hiện các nghiên cứu khoa học liên quan đến môi trường
Bên cạnh các hình thức như seminar, làm việc nhóm …trong các môn học lý thuyết & thực hành, thực tập trong các phòng Lab ở trường, ở các đơn vị thực tập …, Khoa còn tổ chức các hoạt động hỗ trợ như các cuộc thi tìm hiểu về môi trường; các hội nghị, hội thảo chuyên ngành; dã ngoại; thực tế, tham quan các nhà máy, các cơ sở sản xuất…nhằm giúp sinh viên tiếp cận với thực tế để hiểu sâu hơn bài giảng trên lớp.
Thêm vào đó, sinh viên được rèn luyện để hình thành những kỹ năng như: kỹ năng làm việc độc lập, kỹ năng làm việc nhóm; cập nhật và truyền đạt thông tin nhanh; năng lực tự nghiên cứu từ đơn giản đến phức tạp, áp dụng và cải tiến công nghệ & sử dụng được các phần mềm trong lĩnh vực môi trường. Khi tốt nghiệp, sinh viên đạt 420 – 600 điểm TOEIC, có thể giao tiếp và xử lý các nghiệp vụ văn phòng bằng tiếng Anh trong môi trường làm việc quốc tế.
Song song với kiến thức về công nghệ, sinh viên được trang bị các kiến thức về quản lý môi trường, do đó, sinh viên tốt nghiệp từ Khoa có thể làm việc tại các khu công nghiệp, đơn vị tư vấn, xử lý chất thải, các Bộ, Sở và Phòng Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị tư vấn, dịch vụ xử lý môi trường; các cơ quan quản lý các cấp từ trung ương đến địa phương, các đơn vị chịu trách nhiệm ban hành các chính sách, luật, quy định liên quan đến vấn đề về môi trường; các cơ quan nghiên cứu về môi trường và xã hội; các đơn vị thuộc các thành phần kinh tế khác nhau hoạt động trong tất cả các lĩnh vực có ảnh hưởng hoặc liên quan đến môi trường cũng như các Trường, Viện, tổ chức nghiên cứu về môi trường. Ngoài ra sinh viên còn có thể làm việc cho ngành xây dựng, thủy lợi, …
Lê Thùy Trang